Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

An ninh, an toàn nguồn nước - những vấn đề đặt ra

Chủ nhật - 20/04/2025 21:20
Lâm Đồng - Đà Lạt là vùng đất đầu nguồn, nơi cung cấp và điều tiết nguồn nước quan trọng cho nhiều tỉnh, thành phía Nam. Thế nhưng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất - sinh hoạt thiếu kiểm soát và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đang gây sức ép lớn đến chất lượng và trữ lượng nguồn nước. Đảm bảo an toàn, an ninh nguồn nước không chỉ là nhiệm vụ cấp bách của các cấp, ngành mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân. Chung tay bảo vệ nguồn nước hôm nay chính là gìn giữ sự sống và phát triển bền vững cho mai sau.

Kỳ I: Thực trạng nguồn nước sinh hoạt cho người dân Đà Lạt

An ninh nguồn nước tại Đà Lạt không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà là một vấn đề phát triển bền vững gắn với sinh kế, y tế, môi trường và văn hóa sống. Để bảo vệ nguồn nước sinh hoạt an toàn cho hôm nay và mai sau, mỗi người dân, mỗi cơ quan, tổ chức cần hành động ngay từ bây giờ - với tinh thần trách nhiệm và tình yêu dành cho thành phố hoa.

Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh khảo sát khu vực hồ Đan Kia - Suối Vàng về tình hình an toàn nguồn nước

NHỮNG TÁC NHÂN GÂY NGUY CƠ Ô NHIỄM

Theo thống kê của ngành chức năng, hiện nay nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân Đà Lạt ngày càng tăng, trung bình khoảng 60.000 - 65.000 m³/ngày. Trong khi đó, các hồ chứa lớn như: Đan Kia - Suối Vàng, Tuyền Lâm, Xuân Hương... đang phải “căng mình” cung cấp nước phục vụ không chỉ sinh hoạt mà còn cho nông nghiệp công nghệ cao, du lịch và các hoạt động công nghiệp nhỏ.

Một vấn đề đáng lo ngại là tình trạng xả thải sinh hoạt và sản xuất chưa qua xử lý vào các con suối, hồ tự nhiên vẫn còn tồn tại, đặc biệt tại khu vực ven đô và các làng hoa truyền thống. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong canh tác, đặc biệt ở khu vực đầu nguồn, cũng làm suy giảm chất lượng nước một cách nghiêm trọng. Mặt khác, tốc độ đô thị hóa nhanh khiến diện tích rừng đầu nguồn bị thu hẹp, nhiều dòng suối tự nhiên bị san lấp hoặc thu hẹp dòng chảy. Khi rừng không còn đủ sức giữ nước, điều đó kéo theo hệ lụy là mùa khô kéo dài, dòng chảy suy giảm, dẫn đến thiếu hụt nguồn nước trầm trọng. Thêm vào đó, hệ thống cấp thoát nước đô thị còn bất cập: các tuyến ống dẫn cũ kỹ, mạng lưới phân phối thiếu đồng bộ khiến nhiều khu vực ngoại thành thường xuyên thiếu nước vào mùa khô.

Trung tuần tháng 4/2025 vừa qua, đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lâm Đồng do đồng chí Lâm Văn Đoan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng dẫn đầu, cùng các ĐBQH tỉnh, các sở, ngành, đơn vị liên quan đã tiến hành khảo sát và giám sát tại khu vực hồ Đan Kia - Suối Vàng (huyện Lạc Dương). Với diện tích hơn 356 ha, hồ Đan Kia không chỉ phục vụ cho hoạt động thủy điện và tưới tiêu, mà còn đóng vai trò quan trọng trong cung cấp nước sinh hoạt quan trọng cho TP Đà Lạt và thị trấn Lạc Dương.

Sau khi khảo sát thực tế, đoàn giám sát đã làm việc với chính quyền huyện Lạc Dương và các cơ quan liên quan tại UBND huyện để trao đổi về tình hình bảo vệ nguồn nước tại hồ. Đoàn đã đặt nhiều câu hỏi với các cơ quan chức năng, đặc biệt là về tình trạng lấn chiếm lòng hồ, việc xử lý rác thải nông nghiệp và bao bì thuốc BVTV và công tác quản lý an toàn nguồn nước. Đoàn giám sát nhận định rằng nguồn rác thải chủ yếu phát sinh từ hoạt động sản xuất nông nghiệp của các hộ dân ở khu vực Phường 7 và Phường 8, TP Đà Lạt. Vì vậy, công tác thu gom và xử lý rác thải tại khu vực hồ Đan Kia - Suối Vàng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ từ chính quyền các cấp và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, nhằm bảo vệ nguồn nước an toàn và chất lượng cho cộng đồng.

Đồng chí Lâm Văn Đoan đề nghị các cấp chính quyền cần nghiêm túc thực hiện công tác bảo vệ nguồn nước, đặc biệt là trong việc xử lý vi phạm môi trường. Việc kiểm tra, giám sát chất lượng nguồn nước cần được thực hiện thường xuyên ở cả cấp tỉnh và huyện. Trưởng đoàn giám sát cũng lưu ý việc cần thiết phải xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị chức năng, tăng cường sự đồng thuận của người dân trong việc thu gom và xử lý thuốc BVTV quanh khu vực hồ; đồng thời, yêu cầu huyện Lạc Dương hoàn thiện báo cáo và gửi về đoàn giám sát trước ngày 15/4, cùng với các giải pháp cụ thể để bảo vệ và cải thiện chất lượng nguồn nước tại hồ Đan Kia - Suối Vàng.

UBND huyện Lạc Dương cho biết, thời gian qua, huyện đã thực hiện một số nhiệm vụ trong việc bảo vệ hồ Đan Kia. Trong đó, từ nguồn hỗ trợ, đến nay đã đầu tư lắp đặt được 367 thùng chứa, bể chứa để thực hiện việc thu gom bì thuốc BVTV sau sử dụng. Qua các đợt thu gom, lượng rác thải là bao bì thuốc BVTV sau sử dụng được thu gom tại các bể chứa khoảng 11,8 tấn và đã được xử lý theo quy định về chất thải nguy hại. Ngoài ra, đối với lượng rác thải nông nghiệp (vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, phế phẩm nông nghiệp…) phát sinh hàng năm trên diện tích hồ được Trung tâm Quản lý đầu tư và khai thác thủy lợi Lâm Đồng thuê đơn vị có chức năng thực hiện việc thu gom và xử lý theo quy định. Huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho người dân trong việc phân loại, xử lý các loại chất thải. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp xả chất thải gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường nguồn nước; tăng cường kiểm tra, xử lý các hoạt động san gạt, cải tạo mặt bằng, lấn chiếm đất, khai thác khoáng sản trái phép làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước hồ cũng như diện tích của mặt hồ Đan Kia - Suối Vàng... Đồng thời, triển khai đầu tư xây dựng hồ chống bồi lắng, nhà máy xử lý nước thải khu vực Đan Kia - Suối Vàng (giai đoạn 1).

Ngoài ra, UBND huyện đã lập dự án đầu tư nạo vét phía thượng nguồn lòng hồ Đan Kia, thị trấn Lạc Dương và đã được UBND tỉnh chấp thuận. Hiện nay đang triển khai các bước tiếp theo để tổ chức triển khai thực hiện.

Quá trình triển khai thực tế, chính quyền gặp một số khó khăn, vướng mắc, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Lê Chí Quang Minh phân tích: Do ý thức và nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, chủ quan nên chưa chủ động, tự giác thu gom bao bì, chai lọ thuốc BVTV. Sự giám sát của các địa phương trong việc quản lý vỏ bao bì thuốc BVTV trên địa bàn chưa được quan tâm đúng mức. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý còn hạn chế (chưa có nhà máy xử lý rác; xe thu gom, thùng chứa chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nguy hại chưa đáp ứng nhu cầu lượng chất thải phát sinh trên địa bàn huyện). Nguồn kinh phí thu tiền rác thải từ người dân hiện nay còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động thu gom và xử lý lượng rác phát sinh trên địa bàn huyện nên hàng năm UBND huyện phải cấp từ ngân sách để phục vụ cho hoạt động vệ sinh môi trường.

Bất cập là hiện chưa có quy định về việc thu phí đối với lượng rác thải là bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, do vậy hàng năm UBND huyện phải cấp kinh phí cho Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Công trình công cộng để thuê đơn vị có chức năng xử lý lượng bao bì thuốc BVTV sau sử dụng được thu gom.

NHIỀU TỒN TẠI CẦN SỚM KHẮC PHỤC

Đoàn giám sát cũng nêu ra một số tồn tại cần khắc phục sớm như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường đã được các ngành, địa phương triển khai thường xuyên nhưng hiệu quả có lúc, có nơi chưa cao. Một số cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ; ý thức tự giác chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường chưa nghiêm, thậm chí còn xem nhẹ, dẫn đến tình trạng vứt bỏ rác bừa bãi, không đúng nơi quy định, chính quyền cơ sở phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở...

Ý thức và nhận thức của một bộ phận nông dân còn hạn chế, chủ quan nên chưa chủ động, tự giác thu gom rác thải sinh hoạt, rác thải là bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng.

Sự giám sát của các địa phương trong việc quản lý vỏ bao bì thuốc BVTV trên địa bàn chưa được quan tâm đúng mức, diện tích đất sản xuất nông nghiệp không tập trung nên việc thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng chưa được tập trung, vẫn còn tình trạng bỏ ngoài mương, bờ suối, trên đồng ruộng, ảnh hưởng đến môi trường.

Công tác xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về đổ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn xây dựng chưa được các địa phương quan tâm. Vẫn còn một bộ phận hộ dân khu vực đô thị và nông thôn không nộp phí vệ sinh môi trường theo quy định. Nguồn lực đầu tư, chi cho sự nghiệp môi trường nhìn chung còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường nói chung và thu gom xử lý rác thải nói riêng của địa phương, đặc biệt rác thải là bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng.

Tại địa phương chưa có bãi xử lý rác thải tập trung nên lượng rác thải sau thu gom phải vận chuyển, xử lý tại TP Đà Lạt nên phát sinh chi phí cao trong công tác xử lý. Lượng rác thải lớn, số lượng bể chứa ít, nên mới giải quyết được một phần lượng bao bì thuốc BVTV sau sử dụng thải ra môi trường. Theo quy định thì cứ 3 ha đất canh tác cây trồng hàng năm hoặc 10 ha đất canh tác cây trồng lâu năm có sử dụng thuốc BVTV cần có 1 bể chứa bao bì thuốc. Như vậy, với số lượng bể chứa hiện nay thì không thể đáp ứng được việc thu gom hết số bao bì thuốc BVTV thải ra môi trường hàng năm.

Khảo sát thực tế của nhiều đoàn chức năng, qua phản ánh của báo chí và người dân cho thấy, nguy cơ ô nhiễm chủ yếu bắt nguồn từ hoạt động nông nghiệp (sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV tràn lan). Xả thải sinh hoạt không qua xử lý từ các khu dân cư, cơ sở lưu trú. Suy thoái rừng đầu nguồn, bê tông hóa bề mặt khiến dòng chảy tự nhiên bị thay đổi, làm giảm khả năng tự làm sạch của hệ sinh thái nước.

Mặt khác do biến đổi khí hậu - tác nhân mới làm trầm trọng thêm vấn đề. Năm 2023 - 2024 ghi nhận lượng mưa thấp bất thường tại Đà Lạt, nhiều con suối cạn kiệt, hồ chứa xuống mực nước thấp nhất trong vòng 10 năm. Thời tiết cực đoan khiến việc kiểm soát và khai thác nguồn nước ngày càng khó khăn hơn.

(CÒN NỮA)

NGUYỆT THU

Nguồn tin: www.baomoi.com

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn