Ngắm cảnh trên cáp treo
Chiều cuối tuần, chúng tôi được người quen cho “quá giang” cáp treo lên đỉnh núi Cấm. Mùa này, ngọn núi “thiêng” phủ gam màu xanh man mác, khí hậu se lạnh dễ chịu. Từ trong cabin cáp treo nhìn xung quanh, trông Thiên Cấm Sơn như bức tranh sơn cước huyền ảo. Phía sau lưng là toàn bộ khu lâm viên núi Cấm nằm lọt thỏm dưới thung lũng giữa ngọn núi Cấm và núi Bà Đội Om. Dõi mắt nhìn về cánh đồng xã An Hảo, lúa chín vàng ươm, cạnh bờ ruộng là những hàng thốt nốt đang vươn mình trong nắng, tuyệt đẹp. Nếu đi đường bộ trải nghiệm cảm giác leo núi, du khách sẽ mất ít nhất 3 giờ đồng hồ. Có người tiết kiệm đã chọn cách đi lên bằng cáp treo ngắm toàn thể vùng Bảy Núi, rồi đi xuống bằng đường bộ thư giãn. Tuy nhiên, nhiều du khách ngoài tỉnh chọn cách đi cáp treo “khứ hồi” sẽ nhanh hơn để tranh thủ tham quan các điểm du lịch còn lại trong tỉnh An Giang.
Ngồi trong cabin cáp treo tới lưng chừng núi, mây gió thổi vi vu bên tai, không khí mát rượi, anh Trần Văn Hải (du khách ở TP. Hồ Chí Minh) trầm trồ, bây giờ lên núi Cấm bằng cáp treo quá tiện lợi và an toàn. “Sáng giờ, tôi đi gần 10 kiểng chùa ở Bảy Núi, tham quan rừng tràm Trà Sư đã thấm mệt. Nhưng đến núi Cấm, tôi và sấp nhỏ được đi cáp treo lên cúng chùa Phật lớn, chùa Vạn Linh, rất thoải mái. Lên núi Cấm hít thở khí hậu mát lành, cảm giác rất sảng khoái…” - anh Hải nói. Từ lâu, núi Cấm được xem là địa chỉ du lịch tâm linh hấp dẫn đối với lữ khách phương xa. Khi đặt chân đến đây, mọi người được hòa mình vào vẻ đẹp hoang sơ và nghe kể những câu chuyện kỳ bí của các tu sĩ một thời “mai danh ẩn tích”.
Rời cáp treo, chúng tôi tiếp tục hành trình dạo quanh hồ Thủy Liêm tham quan khung cảnh mây trời trên núi. Mặc dù trời ngã chiều, nhưng nhiều đoàn khách vẫn tiếp tục cúng chùa và ngồi nghỉ chân, ngắm tượng Phật Di Lặc. Đi giáp đỉnh núi Cấm, gia đình ông Nguyễn Văn Cường (57 tuổi, quê ở tỉnh Bạc Liêu) ghé qua chùa Phật Lớn, leo lên cúng tượng Phật Di Lặc. Gần cuối ngày, ông Cường ngồi bệt bên bậc thang nghỉ mệt đợi các thành viên gia đình tham quan khu vực hồ Thủy Liêm. Gặp chúng tôi, ông Cường cho biết, năm nào gia đình cũng thuê xe viếng miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam sẵn tiện vào núi Cấm để thưởng ngoạn. “Diện mạo núi Cấm bây giờ đang đổi thay từng ngày. Phong cảnh chùa chiền, tượng phật Di Lặc, hồ Thủy Liêm khang trang, mát mẻ…” - ông Cường tâm sự.
Đổi thay du lịch trên núi Cấm
Ngọn núi Cấm cao khoảng 716m so mực nước biển, với nhiều vồ đá, ẩn chứa nhiều câu chuyện huyễn hoặc, ly kỳ. Hiện nay, tiết trời lập đông, chuẩn bị bước sang Xuân, khí hậu núi Cấm rất dễ chịu, bà con khắp nơi lên núi cúng Phật, trải nghiệm, hít thở khí hậu trong lành. Muốn khám phá giáp núi Cấm, du khách phải nghỉ lại qua đêm. Hoàng hôn tắt nhanh bên kia vách núi, Thiên Cấm Sơn mang nét đẹp mơ màng, quyến rũ. Đứng từ tượng Phật Di Lặc, chúng tôi nhìn về phía Tây, khói lam chiều bay nhẹ trên không, trông như “cảnh tiên”. Những năm gần đây, quần thể chùa trên núi Cấm được chỉnh trang đẹp mắt, thu hút khá đông du khách đến cúng, viếng.
Chiếc cầu đỏ thơ mộng được xem là biểu tượng cho sự may mắn đã tạo nên điểm nhấn trên non cao, thu hút đông đảo du khách bộ hành để ngắm toàn bộ khu vực hồ Thủy Liêm và xem đàn cá lội tung tăng dưới nước. Hiện tại, cá dưới hồ có con to hơn chục ký, chủ yếu là cá lóc, cá chép, rô phi, rùa… Diện tích hồ Thủy Liêm rất rộng, xung quanh được trồng nhiều loại hoa, kiểng, với gam màu rực rỡ. Trong đó, có loài hoa sim tím nở rộ, khoe sắc bên hồ nước trời tuyệt đẹp. Dạo quanh hồ Thủy Liêm, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy những quán ăn, quán nước được người dân xây cất trông giống mô hình hàng quán ở vùng rẻo cao Tây Bắc. Nếu đến đây ngủ qua đêm, du khách có thể thả hồn vào không gian tịch tĩnh, thi thoảng được nghe tiếng kinh kệ, chuông chùa vang vọng khắp chốn tiên bồng, cảm thấy lòng mình thanh thản.
Người ta ví von, núi Cấm như Đà Lạt 2, bởi khí hậu nơi đây trong lành, mát rượi. Với khí hậu mát mẻ, cây cối hứng sương mù quanh năm, sơn dân tìm ra được những loại rau rừng ăn kèm với bánh xèo. Có những loại lá nằm trên ngọn cây cao chót vót, họ phải leo lên hái, như: Ngành ngạnh, bứa, lá cách, lá quỷnh, bằng lăng... Những loại rau mọc quanh con suối, như: Càng cua, kim thất, lá lốt… mang vị thuốc núi, hòa quyện cùng chiếc bánh xèo truyền thống, tạo nên món ăn hấp dẫn trên đỉnh non cao.
Dạo ngang đoạn đường dưới chân Chùa Vạn Linh, chúng tôi gặp các phụ nữ đang tỉ mẩn lựa từng cọng rau rừng xanh mướt để phục vụ du khách dùng kèm với món bánh xèo trứ danh. Chủ quán bánh xèo Phát Đạt xởi lởi: “Tính sơ sơ cũng có đến cả chục loại rau rừng ăn kèm với bánh xèo mang thương hiệu núi Cấm. Mỗi loại rau rừng đều có vị thuốc riêng, du khách thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi”. Các loại rau rừng được các chủ quán bánh xèo sưu tầm phục vụ du khách phải đặt hàng từ bà con chuyên đi săn rau rừng. Những loại rau này, họ phải vào tận rừng sâu săn tìm thì mới có đủ nguồn cung cấp cho quán bánh xèo trên núi. Thậm chí các quán bánh xèo dưới đồng bằng cũng thu mua nguồn rau rừng nơi đây để phục vụ du khách” - anh Đạt chủ quán bánh xèo cho hay.
Hoàng hôn, cánh chim trời chao nghiên qua dãy núi, tìm về chốn cũ, từng đoàn lữ khách nhanh chân tuột dốc khuất dần trong màn sương sau hành trình chinh phục, khám phá chốn bồng lai thơ mộng.