7 giờ tối, làng K’Ho Cil (xã Tà Nung) lại rộn ràng tiếng chiêng. Từ nhiều tháng nay, đều đặn mỗi tối thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, các chàng trai, cô gái K’Ho của CLB Văn hóa cồng chiêng Tà Nung lại tụ họp, cùng nhau luyện tập từng nhịp chiêng, những điệu múa xoang mềm mại, uyển chuyển. Ở tuổi 67, già Đa Cát K’Bréo, người thầy tận tâm của CLB, vẫn ngày ngày truyền dạy từng nhịp chiêng cơ bản cho lớp trẻ. “Ngày xưa, các ông bà dạy tôi. Giờ đây, tôi muốn truyền lại tất cả những gì mình biết để con cháu tiếp nối và giữ gìn”, già chia sẻ.
Dưới sự hướng dẫn tận tình của già K’Bréo, cùng sự nỗ lực, kiên trì của các thành viên, những thanh âm rời rạc ban đầu dần trở thành những bài cồng chiêng hoàn chỉnh, đặc sắc sau nhiều tháng tập không ngừng nghỉ. Các thành viên trong CLB không chỉ học cách đánh chiêng mà còn thấm nhuần những giá trị văn hóa, tâm linh sâu sắc gắn liền với từng giai điệu. Giữa không gian núi rừng Tây Nguyên, âm vang trầm hùng của cồng chiêng hòa quyện với những vòng xoang khoan thai, như một lời nhắc nhở về cội nguồn, về dòng chảy bền bỉ của lịch sử, nối liền quá khứ và hiện tại.
Chia sẻ về CLB Văn hóa cồng chiêng Tà Nung, chị Liêng Hót Thái Hòa - Chủ nhiệm CLB, cho biết, từ giữa tháng 5/2024, CLB chính thức ra mắt tại Điểm du lịch văn hóa làng K’Ho Cil. CLB có 25 thành viên, từ 12 đến 40 tuổi, tất cả đều chung niềm đam mê cồng chiêng và tình yêu sâu sắc với văn hóa truyền thống dân tộc K’Ho. “Chúng tôi thành lập CLB với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Tham gia CLB, các thành viên không chỉ được học cách đánh cồng chiêng mà còn có cơ hội trình diễn và lan tỏa vẻ đẹp độc đáo của văn hóa K’Ho đến với cộng đồng, du khách trong và ngoài nước”, chị Thái Hòa chia sẻ.
Rơ Ông Ha Tương, một thành viên trẻ tuổi và đầy nhiệt huyết của CLB, là một điển hình tiêu biểu. 29 tuổi, Ha Tương mang trong mình khát khao cháy bỏng được tiếp nối di sản văn hóa này. “Lần đầu chạm vào cồng chiêng, tôi cảm nhận được một điều gì đó rất đặc biệt - vừa lạ lẫm, vừa cuốn hút”, anh kể. Tuy việc học cồng chiêng ban đầu khá khó khăn, nhưng tình yêu với văn hóa dân tộc và khát vọng giữ gìn bản sắc đã thôi thúc anh vượt qua. Càng học, Ha Tương càng say mê, đắm chìm vào âm thanh của cồng chiêng. Giờ đây, anh không chỉ thành thạo các bài cồng chiêng như Chào khách, Mừng lúa mới... mà còn ấp ủ mơ ước trở thành một nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ sau. “Tôi muốn tiếng cồng chiêng của dân tộc mình mãi ngân vang”, anh nói, ánh mắt rực sáng đầy tự hào.
Cồng chiêng, đối với các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên là nhạc cụ thiêng liêng không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần. Tiếng cồng chiêng theo con người từ lúc mới sinh ra cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng. Vì thế, cồng chiêng có ở bất cứ sự kiện quan trọng trong đời của người dân nơi đây - từ lễ đặt tên, lễ mừng lúa mới, lễ đâm trâu cho đến lễ cầu mưa, lễ cưới, lễ mừng nhà mới, lễ bỏ mả... Và nó cũng là sợi dây thanh âm huyền bí kết nối giữa con người với thế giới thần linh.
CLB Văn hóa cồng chiêng xã Tà Nung được thành lập và đi vào hoạt động dưới sự cho phép và hỗ trợ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cùng chính quyền địa phương. CLB góp phần quan trọng trong việc thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Việc thành lập CLB không chỉ là bước đi quan trọng trong việc bảo tồn di sản văn hóa, mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển du lịch cộng đồng.
“Trong dịp Festival Hoa Đà Lạt, CLB đã tích cực tham gia các chương trình, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số tại địa phương”. Sự tham gia của CLB trong các sự kiện lớn không chỉ giúp tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống mà còn đưa hình ảnh của người K’Ho và văn hóa cồng chiêng đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước”, chị Thái Hòa chia sẻ.
Giữa nhịp sống hiện đại, tiếng cồng chiêng Tây Nguyên vẫn ngân vang, như một lời nhắc nhở về giá trị trường tồn của các bản sắc văn hóa dân tộc. Từ những nỗ lực của CLB Văn hóa cồng chiêng xã Tà Nung, niềm tự hào ấy không chỉ lan tỏa đến lớp trẻ mà còn để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng du khách gần xa. Ở Tà Nung, âm thanh cồng chiêng vẫn vang vọng, khẳng định sức sống mãnh liệt của văn hóa người K’Ho, tiếp nối qua từng thế hệ trẻ.