Bản giao hưởng của thiên nhiên
Với địa giới mới, du khách chỉ cần vài giờ di chuyển là có thể đi từ rừng thông Đà Lạt mát lạnh, đến biển xanh Phan Thiết rực nắng, hoặc ngắm hồ Tà Đùng mờ sương sau khi trải nghiệm tháp Chăm rêu phong. Không nơi nào khác ở Việt Nam hội tụ đủ hệ sinh thái như vậy: Cao nguyên, núi rừng, biển đảo, đồng bằng, núi lửa, hang động, thác ghềnh, văn hóa bản địa và di sản quốc tế. Ở cao nguyên, các phường trung tâm và vùng phụ cận tiếp tục giữ vai trò đầu tàu du lịch nghỉ dưỡng, với khí hậu trong lành, cảnh sắc hữu tình, hệ thống khách sạn, điểm tham quan, lễ hội đã định hình và được thế giới ghi nhận. Chỉ riêng Đà Lạt (trước đây) đã đón hơn 6 triệu lượt khách mỗi năm, là thành phố du lịch sạch ASEAN, thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc và là điểm đến Festival Hoa hàng đầu châu Á.
Một góc biển Mũi Né. Ảnh: Đ. Hòa.
Ở phía Đông Nam tỉnh Lâm Đồng, nơi tiếp giáp biển, là vùng đất đầy nắng gió với đường bờ biển dài, những bãi tắm đẹp, hệ sinh thái đảo phong phú, văn hóa Chăm Pa đậm đặc, cùng các lễ hội như Katê, Cầu ngư, Dinh Thầy Thím, Nghinh Ông… tạo nên sức hấp dẫn riêng cho du lịch văn hóa, tâm linh, biển đảo. Các khu du lịch như Mũi Né, Kê Gà, Phú Quý, Bàu Trắng, Tà Cú đã trở thành điểm đến quen thuộc, đóng vai trò mũi nhọn trong phát triển kinh tế du lịch biển. Trong khi đó, phía Tây tỉnh Lâm Đồng là vùng đất nguyên sơ, gắn với cao nguyên M’nông – S’tiêng – Êđê, nơi có Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, các cụm thác Đ’ray Sáp, hồ Ea Sno, khu sinh thái Nâm Nung, Tà Đùng cùng hàng chục di sản văn hóa phi vật thể. Đây là “kho báu” của du lịch sinh thái, du lịch địa chất, du lịch cộng đồng và du lịch trải nghiệm đặc trưng vùng cao.
Sự sáp nhập mang đến cơ hội chưa từng có, từ chỗ phát triển đơn lẻ theo từng tỉnh, ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng mới có thể xây dựng một chiến lược phát triển đồng bộ, liên kết không gian, sản phẩm, thị trường, tạo thành chuỗi giá trị xuyên vùng. Thay vì cạnh tranh nội bộ, các xã, phường có thể cùng khai thác lợi thế bổ sung, phường trung tâm dẫn khách đến nghỉ dưỡng, sau đó kết nối tour thể thao biển ở Mũi Né, rồi ngược lên Tà Đùng khám phá thiên nhiên hoang sơ. Quan trọng hơn, tỉnh cần xây dựng một thương hiệu du lịch thống nhất, có khả năng đại diện cho cả vùng. Thương hiệu ấy phải thể hiện được sự đa dạng sinh thái, đa tầng văn hóa, đa dạng trải nghiệm, nhưng vẫn hướng tới tính bền vững, hiện đại, hội nhập.
Một bản sắc chung của tầm nhìn mới
Theo các chuyên gia, để du lịch tỉnh Lâm Đồng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thực sự, tỉnh sẽ phải vượt qua nhiều thách thức. Thứ nhất là tâm lý cục bộ và quản lý phân tán. Việc 3 tỉnh từng hoạt động tách biệt, mỗi nơi một quy hoạch, một cách quảng bá, một cách làm du lịch… khiến việc thống nhất tư duy phát triển cần thời gian và quyết tâm chính trị rất lớn. Bên cạnh đó, chênh lệch về hạ tầng, chất lượng dịch vụ và nguồn nhân lực. Một số địa phương ven biển đã có hệ sinh thái du lịch hoàn chỉnh nhưng các vùng sâu, vùng cao nguyên phía Tây vẫn thiếu hạ tầng cơ bản. Nếu không có sự đầu tư đồng đều, việc phát triển chuỗi sẽ đứt gãy.
Trong bối cảnh đó, cần coi du lịch là ngành dẫn dắt mô hình phát triển vùng, là “người mở đường” cho các lĩnh vực khác như giao thông, thương mại, nông nghiệp, văn hóa cùng phát triển. Chính vì vậy, tỉnh Lâm Đồng sẽ chủ động trong quy hoạch, truyền thông, thu hút đầu tư và hỗ trợ cộng đồng làm du lịch, hướng tới một mô hình phát triển du lịch toàn diện, xanh, bền vững và có chiều sâu. Và cũng là một lời mời gọi với du khách trong nước và quốc tế: Hãy đến với tỉnh Lâm Đồng - nơi một hành trình có thể chạm đến mọi trải nghiệm.