Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Trống Đọi Tam trên đất Nam Tây Nguyên

Thứ hai - 21/04/2025 19:55
Với lịch sử phát triển hơn 1.000 năm, làng trống Đọi Tam (xã Tiên Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) đã nổi tiếng cả nước. Theo nghề của cha ông, những chàng trai trẻ của đất Đọi Tam vào TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) lập nghiệp để mưu sinh và cho tiếng trống mãi ngân vang.

Con cháu làng nghề trống Đọi Tam mưu sinh bằng nghề truyền thống trên đất Bảo Lộc

Làng trống Đọi Tam có tục lệ cha truyền con nối; trai ở làng nghề thường sẽ biết làm trống từ lúc còn 12, 13 tuổi và khi lên 14, 15 tuổi thì được theo cha đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước để làm trống.

Theo nhịp mưu sinh, hai anh em ruột Bùi Xuân Trường (sinh năm 1988) và Bùi Xuân Dũng (sinh năm 1991) vào mảnh đất Lộc Nga (Bảo Lộc) lập nghiệp bằng nghề làm trống. Theo anh Bùi Xuân Trường, để làm ra một chiếc trống hoàn chỉnh, các nghệ nhân trong làng trống Đọi Tam rất dày công, tỉ mỉ trau chuốt cả 3 khâu quan trọng: làm da, làm tang và bưng trống.

Da trống được làm bằng da trâu; da trâu được cạo cho mỏng rồi đem phơi khô. Tang trống được làm bằng gỗ mít khô và được xẻ cong thành nhiều thân khác nhau. Da được chọn để làm trống là da trâu cái, đem bào hết lớp màng, ngâm nước khử mùi chống thối rồi phơi khô. Da ngâm trong nước không được quá lâu hoặc quá nhanh nếu không sẽ ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh.

Tang trống tốt nhất là làm bằng gỗ mít, gỗ mít càng già thì âm của trống càng vang vọng, càng hay. Tre dùng làm đai trống là tre bánh tẻ, còn tre làm đinh để ghim da trống với tang trống phải là tre đực già.

Việc tạo dáng cũng vô cùng nghệ thuật và khéo léo, làm sao để trống tròn, đẹp, hài hòa, cân đối. Thân trống là sự cộng hưởng âm thanh của cả mặt trống và tang trống. Mặt trống phải đều, phẳng, để khi căng ra phải cân nhau theo chiều chảy, keo dán phải thật kín để âm thanh không bị lọt ra ngoài trống.

Sau khi hoàn thành các công đoạn, thợ làm trống sẽ làm cho các dăm trống nhỏ được gắn kết lại với nhau, tạo thành một chiếc trống kín, khít và tròn. Ngoài ra, thân trống phải liền một khối, không được chắp vì sẽ ảnh hưởng tới âm thanh của trống.

Bưng trống là công đoạn khó khăn nhất, không chỉ đơn giản là căng tròn da trâu lên bề mặt trống rồi dùng đinh bằng tre đóng cố định vào thân trống. Việc bưng trống còn đòi hỏi người làm trống phải có tai thính để thẩm âm, định được tiếng trống.

Theo anh Trường thì sự khác nhau duy nhất khi làm trống ở các vùng, miền và Lâm Đồng chính là đinh trống. Lâm Đồng nói chung và Bảo Lộc nói riêng là nơi có lượng mưa khá cao, độ ẩm lớn nên nhiều khách hàng đặt trống đã đề nghị thay đổi đinh tán tre thay bằng đinh sắt.

Không chỉ mở cơ sở sản xuất trống ở xã Lộc Nga, hai anh em Trường, Dũng còn đi khắp các huyện trong tỉnh để sửa trống. Nhìn vào các công cụ như: cưa, bào, búa, đục…, anh Trường cho biết đó là đồ nghề “kiếm cơm” của hai anh em.

Ngày xưa, khi công nghệ thông tin liên lạc chưa phát triển thì các cụ làm nghề trống thường tản bộ khắp các làng mạc, nơi sân đình, đền, chùa để hỏi thăm những nơi cần sửa trống. Còn thời giờ chỉ cần qua điện thoại là hai anh em lên đồ nghề và đến sửa trống. Hai anh em Trường, Dũng tâm sự: "Nghề làm trống thu nhập không cao, nhưng với lòng yêu nghề, niềm tự hào truyền thống quê hương nên chúng tôi quyết tâm theo nghề. Gia đình tôi đã gắn bó với nghề làm trống qua nhiều thế hệ, nên tiếp nối công việc là trách nhiệm của con cháu, để tiếng trống Đọi Tam ngân vang khắp miền đất nước".

Nghề làm trống này đã ăn sâu vào máu của bao thế hệ người con ở Đọi Tam. Trải qua bao thăng trầm, nghề làm trống ở đây vẫn được truyền từ đời này qua đời khác. Dù đi đến đâu họ vẫn hết lòng làm ra những sản phẩm chất lượng để lưu đời tiếng trống Đọi Tam.

Từ xưa đến nay, tiếng trống thường vang vọng trong các lễ hội, nghi thức và đời sống tinh thần của người dân. Mỗi chiếc trống đều mang một hồn cốt riêng, được tạo nên từ sự kết hợp hài hòa giữa chất liệu truyền thống và đôi bàn tay tài hoa của người thợ. Tiếng trống cũng báo hiệu mùa tựu trường bên trang giấy trắng của học sinh...

Anh Trường, Dũng hồ hởi: “Anh em chúng tôi rất mong muốn và sẵn sàng chỉ dạy cho những ai có đam mê với nghề làm trống. Hy vọng nghề làm trống không chỉ có ở làng Đọi Tam mà còn được giữ gìn ngay trên Nam Tây Nguyên này”.

ĐỨC TÚ

Nguồn tin: www.baomoi.com

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn